Về Grizzly Man của Warner Herzog
Bài viết của Ngô Thanh
Đạo diễn Warner Herzog (1942) cùng với Wim Wenders tạo ra dòng phim “chú trọng xúc cảm” của Đức thập niên 70. Ông phát biểu: “Tôi muốn chỉ ra những điều không thể giải thích được, dù bằng cách này hay cách khác” và với niềm tin rằng “Mọi người nên nhìn thẳng vào một bộ phim. Điện ảnh không phải nghệ thuật của những học giả, mà là của những người ít học. Và văn hóa điện ảnh không phải là một bản phân tích, nó là sự khuấy động với tâm hồn” (đọc thêm tr 411-412, Lịch sử điện ảnh tập 2, David Bordwell – Kristin Thomson). Những quan điểm của ông đều được thể hiện sâu sắc trong các tác phẩm bao gồm cả phim truyện lẫn tài liệu trong đó thực sự “Grizzly Man” làm năm 2005 để lại nhiều suy ngẫm và lý giải cho những phát biểu ở trên.
“Grizzly Man” là bộ phim tài liệu khá đặc biệt vì 2/3 bộ phim dựng lại từ những thước phim của nhân vật chính Tim Treadwell. Quan trọng hơn, nó giống như một luận đề của chính Herzog về mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người, đức tin, tôn giáo, sức mạnh, điện ảnh… Ông cũng không ngại ngần phóng chiếu lên đó dục vọng của chính mình. Đó là một bộ phim tài liệu phối hợp nhuần nhuyễn tính suy lý, chất thơ, những rung cảm hình ảnh, sự phản tư hài hước. Chưa bao giờ ta nếm trải cảm giác ấy: bị lôi vào thế giới khác một cách đắm say rồi bị phản bội và cuối cùng là tan biến.
1 Cốt truyện lão luyện
Herzog có thể xem như một trong những cây đại thụ vẫn còn sống của nền điện ảnh thế giới. Sự lão luyện ấy bộc lộ ngay ở một cốt truyện hấp dẫn. Các khán giả đều biết trước số phận của nhân vật chính Treadwell là cái chết. Làm một bộ phim về người đã chết vốn không phải là chính trị gia hay minh tinh màn bạc – những đối tượng được nâng lên hàng mẫu bản trong cuộc sống chúng ta – thật khó hấp dẫn. Tất nhiên câu chuyện Treadwell yêu loài gấu bị chết thảm khốc bởi chính móng vuốt của nó cũng chứa đựng yếu tố kịch tính. Chỉ có điều điểm cơ bản Herzog khai thác lại không dễ dàng hiến mình cho những cú scandal, điều này sẽ được bàn đến ở phần sau. Ở đây, tôi chỉ tập trung vào cách Herzog xây dựng cốt truyện về một vấn đề đã biết như thế nào. Không phải chờ quá lâu người xem có thể biết cái chết của nhân vật. Tức là cái kết thúc của một con người được đưa lên đầu tiên để từ đó mở ra chuỗi sự kiện đằng sau. Herzog sẽ cho chúng ta thấy các quan niệm khác nhau về Treadwell thông qua người bạn thân, bạn gái cũ, đồng nghiệp ở khu bảo tồn, nhà nhân học, dân bản địa của vùng có loài gấu xám, bố mẹ… Cho biết thật nhiều ý kiến của người khác về nhân vật là cách làm cho khán giả biết thật ít về anh ta. Chính vì thế nó đủ kích thích người xem ngồi khám phá hiện tượng Treadwell. Herzog nắm được niềm tin của người xem bởi ông thể hiện mình là người có tương đối đầy đủ tư liệu về nhân vật. Hơn nữa voice-over trong truyền thống điện ảnh đóng vai trò như một thứ giọng đầy quyền năng, được ví như giọng thánh thần nắm rõ thế giới chuyện phim. Và quả thật, 1/2 bộ phim sẽ là cái nhìn của chính Herzog về Treadwell. Ông sẽ biến nhân vật thành một ca tâm lý bằng cách phân tích những thước phim của người gấu. Và đến đây, chất cảm xúc, chủ quan, sự sâu sắc của đạo diễn khiến khá giả như đang xem chính mình, truy vấn chính dục vọng của mình. Nhưng đến cuối phim, Herzog để lại một khoảng trống mênh mông, nghĩa là ông từ chối đặt mình vào vị trí phán truyền mà trở về làm con người như chúng ta… nhỏ bé trước những điều ngôn ngữ bất khả xâm phạm mà chỉ còn khuôn hình – cảm giác, sự tự trôi của hình ảnh.
2 Người gấu – ca tâm lý và cách tạo lập diễn ngôn điện ảnh
Như đã nói ở trên, phần lớn bộ phim lấy lại những đoạn băng tư liệu của Treadwell song Herzog vẫn khẳng định tính sáng tạo của mình ở cách tạo lập diễn ngôn phim thông qua trật tự câu chuyện, phỏng vấn, lời bình. Đến đây, tôi sẽ đi vào bàn luận sâu hơn điều đã nói sơ lược ở trên: những quan điểm khác nhau về hành động sống với loài gấu của nhân vật. Có người thì ủng hộ và cảm động sâu sắc, có người lại tỏ ra hơi mỉa mai quan điểm lập dị, kì khôi, không tưởng của anh, có người khác lại phân tích dưới góc độ tôn giáo cho rằng ở Treadwell lưu giữ một đức tin sâu kín nào đó. Ở trường đoạn này, đạo diễn khá lặng lẽ và khách quan, hầu như chúng ta sẽ không thấy lời bình của ông. Sự bình tĩnh của đạo diễn tạo ra một khoảng trống trong chúng ta – những con người muốn được xếp mình vào một trong những quan điểm ở phía trên. Thật đáng sợ khi phải ở một trạng thái như thế: nhân vật chính đã chết, những người còn sống mang trong mình một diễn giải của riêng họ còn chúng ta thì bơ vơ vì đạo diễn đã tung lựa chọn cho chúng ta. Tiền đề cho cuộc truy vấn điều bí ẩn trong con người được tạo lập từ đây và theo tôi đó là ham muốn tạo ra diễn ngôn (discourse), huyễn tưởng (fantasy) của chúng ta. Một nửa phim còn lại sẽ là diễn ngôn, huyễn tưởng trong Herzog nhưng trước đó, ở đây, ông đẩy chúng ta đến tình huống rất chông chênh – một thời khắc zero (theo quan điểm của R. Barthes).
Đạo diễn tập trung vào dục vọng (desire) của Treadwell: muốn bảo vệ loài gấu và trở thành gấu, gia nhập vào cộng đồng loài thú hung bạo này. Ông bắt đầu biện luận về vấn đề bằng lời của người dân bản địa có kinh nghiệm sống với loài gấu qua hàng ngàn năm: không thể bước qua ranh giới của loài gấu, ranh giới chúng ta đã tạo lập. Lúc này người xem thấy được thước phim nhân vật quay mình hòa vào dòng nước của những con gấu và cùng tắm với chúng. Treadwell phá bỏ ngăn cấm đồng thời trở thành kiểu nhân vật cơ bản trong phim Herzog: con người kì lạ. Đó là lúc đạo diễn phóng chiếu dục vọng của mình lên nhân vật. Vấn đề là ông không giấu diếm điều đó mà còn cho khán giả biết nhiều hơn thông qua đoạn ông nói về cách làm phim của người gấu cùng niềm ngưỡng mộ vẻ đẹp ngẫu nhiên anh ta quay được – vốn là niềm khao khát của nhiều đạo diễn. Như thế thể loại phim tài liệu không còn là reality mà là chứa đựng the real (theo cách phân biệt của Jacques Lacan). Chính sự tương tác khán giả – phim, tính phản tư, phim về phim của Herzog đã làm nảy sinh sự hiện diện của the real – thứ còn chưa biết, không được chuyển thành diễn ngôn và liên tục thôi thúc chúng ta dùng huyễn tưởng để nắm bắt nó.
Herzog cũng tiến hành tìm hiểu lý do dục vọng của Treadwell. Ông cho rằng ở anh chứa đựng nhiều vấn đề phức tạp, nỗi đau, sự cô đơn. Ông bắt đầu đưa ra những thước phim riêng tư, không còn là tình yêu với loài gấu nữa mà là về cách anh ta nhìn cuộc sống con người. Đoạn phim Treadwell tự quay mình, góc máy đặt thấp, từ dưới lên, hẹp, trung (có lẽ Herzog cũng đã rất tán thưởng lối quay phim xúc cảm của nhân vật) – một cú máy phù hợp cho việc bộc lộ điều gì đó chân thật nhưng không dễ dàng. Anh cho rằng mình có tâm hồn đẹp, khờ khạo và điều đó khiến anh khó có thể tìm được một ai chịu chung sống với mình vì phụ nữ bây giờ cần nhiều hơn thế. Anh cho rằng giới đồng tính có vẻ sẽ dễ dàng hơn song khốn nỗi anh bình thường. Đến đây, đạo diễn bắt đầu cho chúng ta biết sâu hơn ý nghĩa của loài gấu đối với anh hay chính xác là với những chấn thương, nỗi đau của anh. Treadwell từng phải vào trại cai nghiện và nó chẳng giúp anh sống tốt hơn. Kiểu thiết chế ấy không có tác dụng. Điều khiến nhân vật thấy mình tốt hơn chính là cảm giác trở nên có ý nghĩa với cái gì đó – người bảo vệ sự sinh tồn của loài gấu hung dữ, mạnh mẽ. Đạo diễn đã phát lộ ra một mâu thuẫn sâu thẳm bên trong Treadwell. Cách anh ta đến với loài gấu giống như tư thế vị thần và anh ta chấp nhận sự cô đơn cùng cái chết. Treadwell muốn trở thành gấu nhưng vĩnh viễn ôm giấc mơ/ huyễn tưởng con người. Anh ta muốn ở vào vị trí khởi đầu đã mất – mặc cảm tội lỗi nguyên thủy trong tôn giáo phương Tây.
Nhà làm phim người Đức đã chọn những thước phim dồn nén được dục vọng đó của nhân vật. Và rõ ràng ông sắp đặt chúng giàu sức thuyết phục. Cảnh hai con gấu đánh nhau phô diễn một trạng thái hoang dã nguyên sơ. Herzog lấy trọn vẹn từ lúc bình thường đến chỗ đánh nhau và kết thúc. Đặc biệt khi ở cao trào xung đột, một trong hai con gấu đã ỉa. Và tiếp theo đó là lời bình của Treadwell về sức mạnh của con gấu chiến thắng thông qua bãi phân của nó. Đúng lúc này, phim tường thuật về tiểu sử Treadwell thông qua bố mẹ và thói quen có vẻ kì lạ của anh với bạn gái cũ: thích đến tòa án nghe người khác bị kết án. Phim của Herzog giống như tấm tranh ghép hình. Ông chọn lựa sự xuất hiện các mảng lớp cuộc đời nhân vật rất tài tình. Người xem liên tục chợt nhận ra còn cái gì đó bị giấu diếm, còn điều gì đó sâu thẳm hơn nữa về người gấu. Và Herzog lại tiếp tục những thước phim về cách Treadwell nhìn thế giới hoang dã. Đúng vậy, đây là điều mâu thuẫn cơ bản bắt nguồn từ dục vọng riêng tư của nhân vật mà Herzog lập luận từ đầu: Treadwell muốn đứng ở vị trí sáng thế, trở thành người đầu tiên chạm vào lời. Anh ta say mê đặt tên cho lũ gấu, chú giải những sự vật hiện tượng ở thế giới tự nhiên. Việc anh ta gọi bãi phân là sức mạnh, là điều kì diệu, thiêng liêng từ cái mông đít giàu sức tạo sinh của con gấu đã cho thấy điều đó. Treadwell muốn xóa bỏ trạng thái phân tách, tôn ti, thứ bậc cơ bản đang tồn tại trong cuộc sống đời thường và trở về thời điểm khởi nguyên của nó – biểu hiện của người không muốn tham gia vào trật tự biểu tượng (the symbolic – thuật ngữ của Jacques Lacan).
Giống như một nhà tâm lý, Herzog đã phân tích phim của Treadwell để nhận ra huyễn tưởng mà nhân vật mang trong mình. Người trần thuật bình luận: Treadwell đã gặp những sự việc khiến anh ta nhận ra rằng thế giới không hài hòa, cân bằng như anh ta nghĩ. Thật vậy, nhân vật thôi không còn say sưa ngưỡng mộ sự diệu kì hoàn mĩ của Mê cung gấu xám, của những con cáo mà gần như bối rối trước sự nghiệt ngã đang tồn tại ở đây: gấu to cắn chết gấu con đang bú mẹ để nó dễ dàng giao phối. Herzog đưa vào quan điểm cá nhân ông: thế giới là hỗn mang, thù địch, tàn ác. Và mạch trần thuật được chuyển rất mượt sang một vấn đề khác (nếu bạn xem bộ phim thì có thể bắt gặp nhiều cách chuyển đề tài rất tinh tế của Herzog): Treadwell phản ứng lại nền văn minh. Treadwell đến Mê cung gấu xám là mong muốn tìm lại sự cân bằng hài hòa, khả năng làm chủ. Anh ta chơi trò chơi của riêng mình. Việc quay phim mình cũng là một cách chơi, một cách được đóng vai chúa sáng thế. Đơn giản vì chúa hay sáng thế hay bất cứ điều gì Treadwell muốn tạo ra chỉ có thể tồn tại khi có sự hiện diện của cái Khác (the Other – thuật ngữ của J. Lacan). Tĩnh chất nước đôi ấy vĩnh viễn khiến anh ta mắc cạn.
Để khắc sâu hơn sự mâu thuẫn của nhân vật và cuộc sống anh ta chối bỏ, đạo diễn cho một đoạn trả lời phỏng vấn của nhà chức trách. Ông ta đưa ra những con số để đảm bảo việc phối hợp nhịp nhàng giữa khai thác gấu đem lại nguồn lợi kinh tế và việc duy trì đàn gấu đảm bảo cân bằng sinh thái. Máy quay đặt chuẩn phong cách tài liệu khi phỏng vấn khiến đạo diễn tự xóa bỏ thái độ đánh giá của mình. Nhưng bằng việc cắt dựng sang trường đoạn Treadwell liên tục chửi xã hội, nền văn minh thì chúng ta hiểu rằng Herzog muốn tạo ra sự đối lập giữa một bên là tính đông cứng, logic được bảo vệ bởi những con số chính xác, diễn ngôn khoa học với một bên là phản ứng mạnh mẽ song đơn độc. Anh ta không muốn làm theo các luật định, thay vào đó chống lại nó, làm ngược lại nó… Sự cao tay của đạo diễn thể hiện ở điểm cuối bộ phim: Herzog nói về loài gấu, đó là, con gấu không có gì bí mật nào cả. Ông chỉ thấy sự trống rỗng, hoang dã, thèm thức ăn sau đôi mắt của nó. Và như thế điều Treadwell làm được đó là đã nhìn vào loài gấu để thấy được bản năng của con người chúng ta. Herzog đã phá bỏ huyễn tưởng của Treadwell. Ham muốn sống mạo hiểm, đối diện với cái chết thường trực, đi vào cái lãnh địa mà chúng ta trải qua một lần rồi vĩnh viễn mang nó vào bí mật của màn đêm là động lực sáng tạo (quay phim, ở cùng loài gấu) của Treadwell. Nhưng dường như cái chết vẫn là bất khả và các huyễn tưởng không bao trùm nổi nó. Tức là độ dư của the real. Mê cung gấu xám là nơi người gấu nghĩ rằng có thể phóng chiếu dục vọng của mình – điều đã thất bại ở thế giới con người. Vì thế, nhân vật vắng mặt cơ bản trong các thước phim của Treadwell là loài gấu để rồi Herzog sẽ đánh thức nó ở cuối phim.
3. Kết luận
“Grizzly man” kết thúc bằng giai điệu nhạc đồng quê nhịp nhàng, đời thường với hình ảnh Treadwell men theo dòng suối đi xa dần. Nó đem lại cho chúng ta cảm giác trữ tình, giàu chất thơ trong một bộ phim tưởng như sẽ rất nặng nề. Herzog điều phối bộ phim của mình giống như một bản nhạc: có cao trào, căng thẳng, có hài hước, suy tư. Nó thâm nhập vào chiều sâu cảm xúc với sức quyến rũ lạ kì. Điều còn lại với chúng ta là khoảng không mênh mông, dòng chảy miên viễn trôi dạt. Đó là sự từ chối kết luận cuối cùng của người đạo diễn sau khi đã đưa chúng ta vào những ranh giới quá đỗi mong manh….
http://vn.360plus.yahoo.com/aware_bo/article?mid=314&prev=-1&next=306